Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Học thi đã khổ, chọn trường còn khổ hơn thi


Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ hàng năm luôn là sự kiện quan trọng bậc nhất đối với mỗi học sinh. Thông tin tuyển sinh dù được đăng tải rất nhiều trên phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa đủ để các thí sinh yên tâm lựa chọn. Thành công trong cuộc sống vốn là ước muốn của mỗi người. Việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề hoàn hảo là con đường dẫn chúng ta đến thành công trong cuộc sống.
Làm thế nào để chọn một con đường dẫn đến thành công?
Sẽ có nhiều con đường dẫn đến mục tiêu, và không có con đường chung cho tất cả mọi người. Mỗi người cần phải có một con đường riêng. Con đường đúng của mỗi người là con đường phù hợp với năng lực thật sự của bản thân người đó. Nhiều bạn trẻ trong chúng ta đã bước qua cổng trường đại học nhưng không có sự hình dung đầy đủ về nghề nghiệp sẽ làm trong tương lai, mặt khác lại không có người từng trải giúp đỡ hướng nghiệp một cách đúng đắn.
Hậu quả là, dù đã có trong tay tấm bằng cử nhân nhưng không ít người phải ngậm ngùi chia tay với những kiến thức đã dùi mài để làm trái ngành, trái nghề...
Rối vì “nhiễu” thông tin
Học sinh hiện nay vẫn chưa nắm rõ cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Chính vì vậy, họ cảm thấy rối rắm trong khi lựa chọn ngành nghề. Hơn nữa, việc tham khảo quá nhiều nguồn thông tin, từ bố mẹ, bạn bè, sách báo, ti vi… đến các anh chị đi trước khiến nhiều bạn rối càng thêm rối.
Trong khi những trung tâm hướng nghiệp, những thông tin nóng về tuyển sinh chưa thể len lỏi về vùng sâu vùng xa thì định hướng cho nghề nghiệp tương lai của học sinh tỉnh lẻ vẫn chỉ dừng lại ở hy vọng "may ra thì hợp với nghề".
Tấm bằng đại học đã trở thành giấy thông hành để tìm được nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Vì vậy, các bậc phụ huynh và các học sinh luôn tâm niệm đại học là con đường chính thống để đến với những cơ hội nghề nghiệp tốt. Lẽ ra định hướng thi trường nào, ngành nào, học sinh phải được định hướng và nắm rõ ngay từ khi bước chân vào học THPT (lớp 10) để có cách nỗ lực và phấn đấu. Nhưng trên thực tế rất nhiều học trò, đến lúc chuẩn bị nộp hồ sơ thi đại học còn không biết nên thi khối nào và càng mơ hồ về cách chọn trường.  
Biết lượng sức mình 
Nghề nghiệp hiện nay thì nhiều và đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ, nhiều mong mỏi. Hay nói cách khác, sự lựa chọn nghề nghiệp hiện nay là rất phong phú và theo hướng tự do, tự nguyện. Tuổi trẻ chạy theo mốt là chuyện bình thường. Có bạn muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thử cho “đã” sau đó mới ngẫm nghĩ lại là không nên “bon chen” nữa, mình phải là mình thôi. Có người thuộc nhóm thích thử thách thậm chí phiêu lưu 1 chút, có người lại thích sự yên tĩnh, ổn định. Lời khuyên ư? Hãy là chính mình! Thử thách cũng tốt nhưng đừng có phiêu lưu và đừng để trả giá!
Không ai hiểu một người bằng chính bản thân người ấy. Nhưng các học sinh chưa đủ trưởng thành, chưa ý thức sâu về tầm quan trọng của việc hiểu năng lực thật sự của bản thân. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo là điều tất yếu. Cha mẹ cần phải luôn ở bên cạnh con em mình để hỗ trợ, hướng dẫn các bạn hiểu sâu sắc về bản thân, để từ đó, giúp các em chọn đúng trường, đúng ngành, đúng nghề. Cha mẹ không nên gây áp lực cho con cái mình phải đậu vào trường này, trường nọ, cũng không nên áp đặt con mình chọn một con đường không phù hợp với chính bản thân các em.
Có không ít cử nhân, ngoài lý do chưa xin được việc làm theo đúng chuyên ngành đã học, sau khi tốt nghiệp ra trường lại nhận ra rằng việc thu nhận kiến thức trên giảng đường và trong thực tế là một khoảng cách xa, sự nhận biết về chuyên ngành học đã không đúng như thực tế đòi hỏi, thành thử tìm việc làm đúng nghề, đúng nghiệp là quá khó. Tấm bằng đại học lúc ấy trở nên thật vô nghĩa trong tập hồ sơ xin việc
Cần lắm một định hướng chọn nghề!
Tại hầu hết các trường THPT hiện nay, học sinh lớp 12 bao giờ cũng được nhà trường tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp, còn khâu hướng nghiệp cho các em thì không phải trường nào cũng quan tâm đúng mức. Phải đến khi đặt chân vào giảng đường các trường đại học, cao đẳng, gắn lên áo mình phù hiệu sinh viên thì các bạn trẻ mới được tiếp cận với những hoạt động giúp sinh viên nhìn nhận, làm quen với công việc thực tế. Sự gắn kết giữa các trường cao đẳng, đại học với các trường THPT trong việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề giúp học sinh vẫn là điều “trong mơ”. Thông tin về các khoa, trường đào tạo các lĩnh vực đến tai, tới mắt học sinh THPT thường rất chung chung. Có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hề hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường. Và chỉ tới khi đi thực tập, nhiều bạn trẻ mới vỡ lẽ: À! Hoá ra chuyên ngành mình học và sau này sẽ làm công việc như vậy!
Cha mẹ đóng vai trò là “quân sư”, định hướng cho con cái theo con đường dễ dàng nhất với ước mong sau này con sẽ thành công trên bước đường ấy. Tuy nhiên, không phải lời tư vấn nào của bố mẹ cũng là con đường đúng cho bạn. Hãy sàng lọc những lời khuyên của cha mẹ trong vấn đề chọn trường, chọn ngành. Ý kiến nào hợp lý, phù hợp với sức học bản thân thì nên tiếp thu và lắng nghe. Định hướng nào bạn không thích thì cũng không nên theo một cách miễn cưỡng. Hãy cho bố mẹ thấy sức học của mình và quyết định chọn ngành nào sẽ tốt cho bản thân hơn.

Cha mẹ đóng vai trò quân sư cho con
Thực tế các mùa tuyển sinh gần đây cho thấy đề thi có vẻ “dễ thở” hơn đối với thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cả nước tăng dần hằng năm. Nhưng không vì thế mà việc giành một chiếc vé vào ĐH trở nên dễ dàng hơn.
Để chọn đúng ngành, đúng trường, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ngoài yếu tố gia đình và xã hội, bạn cần xác định được mình mong muốn trở thành người như thế nào trong tương lai (sở thích) và biết rõ điểm mạnh, điểm hạn chế và điểm yếu của mình (sở trường). Chỉ có vậy mới mong sẽ tìm đúng hướng đi cho tương lai, một hướng đi sẽ quyết định cuộc đời bạn!
Ai cũng có cơ hội để khẳng định năng lực bản thân. Thi tuyển đại học không những là bước ngoặt cuộc đời dành cho những thí sinh khát khao vươn đến tương lai mà nó còn là cơ hội để các bạn thử sức trong những lĩnh vực hoàn toàn mới. Đồng thời, bất kể ngành học nào cũng tốt nếu người học thực sự học với thái độ nghiêm túc và có đủ tự tin để bước vào đời, bởi ngành nghề nào cũng cần những người chăm chỉ, yêu nghề.
Để tìm hiểu thêm về bản thân và các ngành nghề phù hợp với mình, các bạn có thể tham khảo thêm bài trắc nghiệm khám phá bản thân và lựa chọn ngành nghề phù hợp nhé!

Chúc bạn thành công

0 nhận xét:

Đăng nhận xét