Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Mây phóng xạ chưa bay về tới Việt Nam

Các kết quả tính toán, cập nhật của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy đến hết ngày 20/3, đám mây phóng xạ vẫn chưa bay về phía Việt Nam.

Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đám mây phóng xạ từ Nhật Bản vẫn chưa chạm đến Việt Nam, tuy nhiên nó đang có xu hướng di chuyển ngược lại về phía Thái Bình Dương và có thể thay đổi hướng đi tùy thuộc vào điều kiện khí tượng.
Bản đồ lan truyền phóng xạ từ Nhật Bản (Ảnh: Bộ Khoa học và công nghệ)

Dự kiến trong một vài ngày tới, Việt Nam sẽ ghi nhận được rõ hơn các dấu hiệu của phóng xạ. Trong trường hợp vượt ngưỡng an toàn, Cục An toàn bức xạ hạt nhân của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có trách nhiệm phát đi cảnh báo tới toàn bộ người dân.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra nhiễm xạ đối với các công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản và phối hợp với các ngành chức năng liên quan chuẩn bị đối phó nếu bụi phóng xạ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp việc điều trị các bệnh liên quan đến phóng xạ.

Trong một diễn biến khác vào hôm 19/3, mây phóng xạ đã lan đến Mỹ và nhiều khả năng sẽ chạm đến Pháp vào ngày 23, 24/3 tới theo tính toán của Viện An toàn hạt nhân Pháp.

Cùng ngày, các quan chức Nhật Bản cũng cho biết đã phát hiện bức xạ hạt nhân vượt quá tiêu chuẩn trong sữa, rau chân vịt và nước máy ở xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Tính đến hết ngày 19/3, theo báo cáo của chính quyền Fukushima, 67 người đã bị nhiễm xạ trong tổng số 42.440 người được kiểm tra tại 13 địa điểm trong tỉnh.

Tác động của mây phóng xạ

Mây phóng xạ được hình thành từ các vụ nổ hạt nhân, nổ nhà máy điện nguyên tử do lõi lò nguyên tử bị phá vỡ, các thanh nhiên liệu nóng chảy khi nổ, bụi phóng xạ bay vào không trung tích tụ theo các đám mây tạo thành vệt mây phóng xạ.

Nếu kích thước các hạt bụi phóng xạ lớn và nặng sẽ rơi nhanh gần khu vực vụ nổ, nếu kích thước bụi nhỏ thì rơi chậm hơn và đi xa hơn.

Đám mây phóng xạ thông thường có hình điếu thuốc xì gà với tỷ lệ 5:1 hoặc 20:1 với kích thước từ 10km đến 100km chiều dài tùy theo mức độ của vụ nổ hạt nhân. Thành phần bụi phóng xạ chủ yếu là Cs-137 (xê-ri) phát năng lượng gam-ma, có chu kỳ phá hủy tới 30 năm.

(Đại tá, Tiến sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội – VTC)
Minh Anh (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét